Thứ Hai, 25 tháng 5, 2009

Thanh Tùng và Một mình

(Từ blog của Kazenka)

Lãng mạn trong nhạc của Phú Quang mang vẻ thâm trầm theo hơi hướng hàn lâm. Lãng mạn trong nhạc của Dương Thụ lại nồng nàn giàu chất thơ. Lãng mạn của trong nhạc của Trần Tiến và Thanh Tùng cùng theo kiểu phóng khoáng, nhưng một người là của hương đồng gió nội, người kia thuộc về thành thị.

Sự lãng mạn thành thị trong nhạc Thanh Tùng nằm ở các khu vườn, giọt nắng, lá hoa rơi, bậc thềm, góc phố nhỏ, đường phố biển, nắng gió, mưa ngâu, tà áo dài, sáng mùa thu mát lành, đêm mùa hè nóng bỏng, lối phố cô liêu...

Những cảm xúc ấy dù có lúc nhẹ nhàng có lúc sôi nổi, nhưng đều chung nhau ở điểm thanh thoát và thanh thản, sự thanh thản của một người từng trải. Có thể hình dung như một hồ nước trải qua nhiều sóng gió, nhưng không ngầu đục mà vẫn xanh trong đến mức có thể nhìn thấy đáy.

"Một mình" cũng mang những sắc thái trên, nhưng có lẽ nó là ca khúc hay nhất và cũng là duy nhất của Thanh Tùng, mà người nghe có thể cảm nhận được rằng đằng sau đấy là một nỗi buồn không thể sẻ chia. Ông viết ca khúc này dành tặng người vợ quá cố.

Sau "Một mình", Thanh Tùng có sáng tác một số ca khúc mới, nhưng quà thực phần nhạc không còn giữ được tiết tấu mạch lạc và giai điệu phóng khoáng như xưa nữa. Bù lại, phần ca từ trở nên trầm lắng và hoài niệm hơn. Có lẽ ông nên chuyển sang viết thơ.

Hình như có rất ít các ca khúc Việt Nam mà các nhạc sĩ viết về người vợ của họ, và đặc biệt là về nỗi nhớ vợ khi cách xa tạm thời hoặc mãi mãi. Họ dành nhiều thời gian và công sức sáng tạo cho những bóng hồng khác đi ngang qua đời họ, hơn là cho người luôn đợi họ về mỗi tối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét